Tuesday, August 17, 2010

Những Di sản thế giới đang bị nguy hiểm do nóng lên toàn cầu

Những Di sản thế giới đang bị nguy hiểm do nóng lên toàn cầu
Theo tài liệu của Liên Hợp Quốc công bố, Rạn san hô Great Barrier,Vườn quốc gia Kilimanjaro và Tháp London là các di sản thế giới của UNESCO trong thế kỷ này sẽ bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu.

Mục đích của báo cáo:"Các nghiên cứu điển hình về Biến đổi khí hậu và Di sản thế giới” nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự hỗ trợ để bảo tồn 830 di sản nhiên nhiên và văn hóa được ghi vào Danh sách Di sản thế giới của UNESCO.
Đánh giá mới nhất này dự báo nóng lên toàn cầu do con người tạo ra sẽ gây hạn hán và lũ lụt trên toàn thế giới, các sông băng và dải băng tan sẽ dẫn tới tình trạng lũ lụt và mực nước biến dâng cao cũng như các điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong thế kỷ tới.

Báo cáo của UNESCO, thực hiện theo Nghị quyết năm 2005 của Ủy ban Di sản Thế giới, bắt đầu nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu tới các di sản thế giới. Vào tháng 3/2006, năm mươi chuyên gia về lĩnh vực này đã nhóm họp ở trụ sở UNESCO vào tháng 7/2006 họ đã trình Ủy ban các dự báo, đề xuất về quản lý các tác động của biến đổi khí hậu và chiến lược giúp 183 nước là các Bên tham gia Công ước Di sản Thế giới.

Koïchiro Matsuura, Tổng giám đốc UNESCO cho rằng: “Hiện nay, cộng đồng quốc tế nhất trí cho rằng biến đổi khí hậu sẽ là một trong những thách thức lớn của thế kỷ 21”. Ông kêu gọi phải có “cách tiếp cận tổng thể đối với các vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.

Báo cáo của UNESCO gồm 5 chương đề cập đến tác động của nóng lên toàn cầu đến các sông băng, đa dạng sinh học biển, đa dạng sinh học trên cạn, các địa điểm khảo cổ học và các thành phố và khu định cư nổi tiếng. Tác giả chính của báo cáo là Augustin Colette, chuyên gia tư vấn về biến đổi khí hậu thuộc Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO.

Sông băng

Sự tan chảy của các sông băng trên toàn thế giới đang gây ảnh hưởng tới diện mạo của các địa điểm được công nhận về vẻ đẹp nổi tiếng và phá hủy nơi cư trú của các loài động vật hoang dã quý hiếm như báo tuyết và gấu trúc đỏ ở Vườn quốc gia Sagarmatha của Nepal.

Hiện nay, các sông băng trên dãy Himalaia đang thu hẹp nhanh chóng vì biến đổi khí hậu là điều đáng lo ngại. Kể từ giữa những năm 1970, nhiệt độ không khí trung bình ở vùng núi Himalaya đã tăng 1°C, gần gấp 2 lần so với nhiệt độ trung bình toàn cầu là 0.6°C theo báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC), xu hướng này hầu hết diễn ra ở các vùng cao. Gần 67% sông băng trên các dãy núi Himalaia và Thiên Sơn đã co lại trong thập kỷ qua, ví dụ sông băng Gangotri mỗi năm co lại 30m.

Các sông băng tan nhanh đã làm tăng cường độ và tần suất lũ lụt gây thảm hại ở hạ nguồn. Tình trạng tan chảy liên tục cuối cùng sẽ gây ảnh hưởng nguồn nước uống, sản xuất lương thực và duy trì hệ sinh thái.

Những thay đổi về nhiệt độ khí quyển và lượng mưa sẽ gây ảnh hưởng đến sự cân bằng giữa lượng nước mưa được lưu giữ trong mùa xuân và tan chảy trong mùa hè. Ở dãy Hymalaia, mùa tuyết tan trùng với mùa mưa. Do đó, bất cứ sự tăng lên về lượng mưa có thể sẽ góp phần làm cho băng tuyết tan nhanh. Những thay đổi này có thể gây ảnh hưởng xấu tới cuộc sống con người vì nước lũ tràn từ các hồ băng đe dọa khu định cư. Các hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm và hệ thống thoát nước nhân tạo của các hồ băng cũng được đề xuất xây dựng nhằm giúp ngăn ngừa thảm họa.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên từ 1,40C đến 5,80C vào cuối thế kỷ này. Báo cáo của UNESCO nêu rõ nhiệt độ khí quyển tăng 40C sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ các sông băng trên Trái đất.

Đa dạng sinh học biển

Báo cáo cũng đề cập tới các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến các điểm Di sản Thế giới ở biển. Vào năm 2100, bảy mươi phần trăm san hô dưới biến sâu trên thế giới, nơi cư trú của hàng trăm nghìn loài cá, sẽ bị ảnh hưởng do sự gia tăng nhiệt độ và sự axít hóa của đại dương tăng cao.

Rạn san hô Great Barrier của Ôxtrâylia được liệt vào danh sách Di sản Thế giới năm 1981, sẽ khó tránh khỏi bị tẩy trắng. Đó là những trường hợp san hô chuyển sang màu trắng và sẽ chết do nhiệt độ nước biển tăng lên.

Hệ sinh thái rạn san hô lớn nhất thế giới dài 2100 km, đó là Đầm phá thuộc Rạn san hô Great Barrier có chứa 2.900 cá thể với 400 loài san hô, 1.500 loài cá và vài nghìn loài nhuyễn thể. Đó là nơi cư trú của các loài như cá nược, rùa xanh và rùa caretta đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Theo các dự báo bằng mô hình, nhiệt độ ở Vùng có rạn san hô Great Barrier sẽ được nâng lên từ 2 – 50C vào năm 2100. Triển vọng dễ xảy ra tình trạng tẩy trắng san hô ồ ạt làm cho san hô chết trên diện rộng, sẽ xảy ra thường xuyên hơn ở vùng biển Ôxtrâylia trong những thập kỷ tới.

Hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) đánh giá, 20% rạn san hô của thế giới đã bị phá hủy. Thêm 50% số san hô đang phải đối mặt với nguy cơ phá hủy trước mắt hoặc lâu dài. Chính phủ các nước và dân chúng cần phải từng bước bảo vệ biển nếu muốn góp chung vào nỗ lực toàn cầu giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ nước biển tăng từ 1-30C cũng đủ để làm suy giảm các rạn san hô nếu san hô không thích nghi được với các vùng nước ấm hơn. Sự thích nghi với điều kiện khí hậu này sẽ chỉ có được nếu san hô được bảo vệ khỏi các áp lực khác như ô nhiễm hoặc đánh bắt quá mức.

Rạn san hô và rừng ngập mặn nguyên sinh đóng vai trò như các rào chắn tự nhiên chống bão lũ. Các hệ sinh thái biển khỏe mạnh trên toàn thế giới sẽ có khả năng chống lại các tác động của biến đổi khí hậu như tẩy trắng san hô và san hô chết, sự di cư của các loài chủ đạo và sự suy giảm toàn diện chất lượng hệ sinh thái nếu các rạn san hô vẫn còn nguyên vẹn.

Rạn san hô cung cấp sinh kế cho100 triệu người và tạo nền tảng cho các ngành công nghiệp như du lịch và nghề cá, mang lại lợi ích hàng năm là 30 tỷ USD.

Đa dạng sinh học trên cạn

Nghiên cứu điển hình về Di sản Khu bảo tồn vùng Cape Floral nêu bật: Nam Phi nơi đa dạng sinh học bị đe dọa bởi sự thu hẹp của các nơi cư trú khí hậu sinh học do nóng lên và những thay đổi lượng mưa, báo cáo nêu rõ đa dạng sinh học trên cạn cũng bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu.
Vùng Cape Floral chiếm chưa đến 0,5% diện tích châu Phi nhưng là nơi chiếm gần 20% đa dạng sinh học thực vật của lục địa này. Đây là một trong những khu vực có các loài thực vật phong phú nhất thế giới. Vùng này có tỷ lệ các loài đặc hữu cao nhất là 32% và được xem là một trong số 18 điểm nóng về đa dạng sinh học của thế giới và nhờ có các giá trị về thực vật độc nhất nên vùng này được thừa nhận là một trong 6 “vương quốc thực vật” của thế giới.
Theo IUCN, các thử nghiệm, quan trắc và mô hình cho thấy biến đổi khí hậu sẽ là mối đe dọa lớn nhất mà đa dạng sinh học ở vùng Cape Floral phải đối mặt trong vòng từ 50 – 100 năm tới. Những tác động của biến đổi khí hậu sẽ thu hẹp các nơi cư trú khí hậu sinh vật tối ưu do sự nóng lên và tình trạng khô hạn tiềm tàng; những thay đổi hệ sinh thái ứng phó với thay đổi các điều kiện môi trường và sự gia tăng tần suất hỏa hoạn.

Do những thay đổi tự nhiên này, theo dự báo, 4 trong số 5 khu bảo tồn ở Nam Mỹ sẽ mất từ 10-40% các loài thực vật vào năm 2050. Báo cáo của UNESCO nêu rõ, những tác động ban đầu của biến đổi khí hậu tới đa dạng sinh học ở Vùng Cape Floral đã trở nên rõ ràng.

Biến đổi khí hậu sẽ buộc một số loài động, thực vật phải di cư vì chúng không thể thích nghi với những môi trường đang thay đổi, các điểm nóng về đa dạng sinh học được liệt vào danh sách Di sản Thế giới phải được bảo tồn.

Trên phạm vi toàn cầu, khí hậu nóng lên sẽ dẫn đến những thay đổi trong phân bố các loài bao gồm các mầm bệnh xâm nhập và các sinh vật ký sinh, việc tính thời gian của các sự kiện sinh học như ra hoa và mối quan hệ giữa động vật ăn thịt với con mồi, sinh vật ký sinh và sinh vật chủ, cây cối và thụ phấn.

Báo cáo đề ra một số giải pháp như thành lập các khu bảo tồn. Biện pháp khác là di dời các loài đang bị nguy hiểm hoặc tới các nơi cư trú hoang dã an toàn hơn hoặc bằng cách lưu trữ tài nguyên di truyền trong các ngân hàng gen hoặc hạt giống hoặc tại các điểm bảo tồn ngoại vi.

Những điểm khảo cổ học

Báo cáo xem xét toàn cảnh Vùng khảo cổ học Chan Chan, Pêru cùng với các Di sản thế giới khác ở Canada và Liên bang Nga nêu rõ biến đối khí hậu cũng sẽ gây thiệt hại cho các địa điểm khảo cổ học là Di sản Thế giới.

Những thay đổi về lượng mưa và chu kỳ hạn hán, độ ẩm, mực nước ngầm và hóa học thổ nhưỡng chắc chắn sẽ tác động tới việc bảo tồn các di sản khảo cổ. Tương tự, nhiệt độ tăng, đặc biệt là sự tan chảy của tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Bắc cực và mực nước biển dâng cao cũng sẽ phá hủy các di sản này.

Báo cáo phân tích mối quan hệ giữa lượng mưa và lũ lụt liên quan tới mô hình El Nino ở Tây Thái Bình Dương nhiệt đới đang làm suy yếu cấu trúc công trình xây dựng bằng đất nung ở Chan Chan, thành phố lớn nhất thuộc Tây Ban Nha trước đây ở Nam Mỹ.

Các sông băng ở nơi đây đang tan chảy có thể sẽ dẫn tới sự hình thành của các hồ băng và tình trạng lũ lụt do vỡ hồ băng. Báo cáo của UNESCO còn cho rằng, những thay đổi về mực nước ngầm, chu kỳ độ ẩm, thời kỳ ẩm ướt và hóa học thổ nhưỡng sẽ tác động tới công tác bảo tồn các di sản khảo cổ.

Những thành phố nổi tiếng

Theo báo cáo, mực nước biển dâng cao và lũ lụt do biến đổi khí hậu gây ra có thể sẽ phá hủy cả nhà cửa và kết cấu xã hội của các thành phố nổi tiếng và khu định cư. Biến đổi khí hậu sẽ làm tăng cường độ và tần suất ngập lụt ở sông Thames chảy qua thành phố London. Mối đe dọa lũ lụt nghiêm trọng nhất đối với London bắt nguồn từ sự kết hợp giữa nước triều dâng cao và bão tố do các hệ thống áp suất thấp di chuyển trên Biển Bắc và dòng nước từ phía nam Biến Bắc đổ vào cửa sông Thames gây ra.

Theo dự báo, vào năm 2050, ở Sheerness mực nước biển sẽ dâng cao thêm 34 cm làm thay đổi mức độ sự cố lũ xảy ra từ 1000 năm một lần tăng lên 200 năm một lần. Đến năm 2100, ước tính Con đập ở sông Thames sẽ phải đóng cửa 200 lần mỗi năm để bảo vệ London khỏi lũ lụt do thủy triều. Chỉ một lần đóng Đập sông Thames sẽ gây thiệt hại gián tiếp về chi phí cho nền kinh tế Anh là 30 tỷ pao.

Báo cáo của UNESCO dự báo lũ lụt sẽ làm ngập ít nhất 3 Di sản Thế giới nằm gần sông Thames , đó là Bảo tàng Biển Quốc gia, Greenwich, Tháp London và Cung điện Westminster. Ngoài ra, nước chảy tốc độ nhanh sẽ làm xói mòn những bức tường và sự khô hạn sau trận lũ lụt sẽ tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây hại như nấm mốc phát triển. Báo cáo của UNESCO cho thấy: “Toàn bộ thành phố Venice là một kiệt tác kiến trúc, trong đó thậm chí những cung điện nhỏ nhất cũng có chứa những tác phẩm của các danh họa nổi tiếng nhất thế giới như Giorgione, Titian, Tintoretto, Veronese và các nghệ sỹ khác" bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao.
Sự kết hợp giữa những thay đổi mực nước biến ở khu vực và toàn cầu sẽ làm cho mực nước biển ở Venice tăng rõ rệt.

Trong số 10 đợt thủy triều cao nhất xuất hiện từ năm 1902 –2003, có 8 đợt diễn ra kể từ năm 1960. Theo các kịch bản về biến đổi khí hậu, đến năm 2100 mực nước dâng cao 54 cm, nếu không có biện pháp can thiệp nào thì dự báo Venice sẽ bị nhấn chìm.

Prague, thủ đô Cộng hòa Séc cũng bị ngập lụt đe dọa, nhưng thành phố cổ kích Timbuktu đang phải chịu một loại áp lực khác về khí hậu. Những mối đe dọa do sự xâm lấn của cát và hoang mạc hóa đi kèm với mưa lớn. Gần đây, các nhà thờ hồi giáo được xây từ bùn ở Timbuktu bị thiệt hại nghiêm trọng vì các trận mưa lớn vào các năm 1999, 2001 và 2003 làm sụp đổ các toà nhà truyền thống bằng đất nung.

Từ năm 1901 đến năm1996, ở Timbuktu, nhiệt độ đã tăng 1,40C và tác động của hạn hán đang trở nên nghiêm trọng. Những thay đổi theo dự báo chứng tỏ, trong tương lai, khu vực này sẽ phải đổi mặt với sự sụt giảm lượng mưa trung bình và sự gia tăng nhiệt độ khí quyển chắc chắn sẽ làm tăng tình trạng xâm lấn của sa mạc và thiệt hại do bão cát ở Timbuktu.

Nguồn tin: Theo ENS

No comments:

Post a Comment