Tuesday, August 17, 2010

Đình Chu Quyến

Đình Chu Quyến

* Giới thiệu chung:
Nằm trong vùng đất có nền văn hoá lâu đời, đình Chu Quyến (hay còn gọi là đình Chàng) thuộc làng Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của người dân trong cộng đồng đồng thời cũng là di tích nghệ thuật khá độc đáo. Đình có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVII. Phân loại theo chức năng đình thuộc loại hình kiến trúc tín ngưỡng. Theo phân loại chung đình thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật. Đình đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử văn hoá theo quyết định số 313/QĐ ngày 28/04/1962.


Đình Chu Quyến xưa



Đình Chu Quyến nay
Để đến di tích có thể đi theo đường sau: từ Hà Nội, theo đường quốc lộ 32 đến thị xã Sơn Tây, theo hướng Trung Hà đến km số 9 (phố Nả) rẽ phải đi vào khoảng 500m là tới đình Chu Quyến.
Đình thờ Nhã Lang Vương, con trai của Lý Phật Tử và bà Lã Thị Ngọc Thành. Ông là một trang tuấn tử, văn võ song toàn, chí lớn thông minh, đức độ hơn người. Ông có công lớn thống lĩnh hai đạo quân thuỷ bộ đánh tan sự xâm lăng của nhà Tuỳ. Để nhớ công ơn của ông, nhân dân đã lập lăng thờ gọi là lăng Cấm (lăng Thánh Hoá) vẫn còn tồn tại là một ngôi đình tám mái ở Chu Quyến hiện nay.
* Đặc điểm kiến trúc:
Đình Chàng có niên đại tương đối vào khoảng cuối thế kỷ XVII với cấu trúc theo hình chữ “Nhất” có một toà Đại đình. Đại đình là một kiến trúc đồ sộ gồm 3 gian 2 chái lớn, một tầng bốn mái với các đao cong vút. Đại đình có mặt bằng hình chữ nhật với diện tích 395m2. Thành phần chịu lực chính của Đại đình là hệ khung gỗ. Bộ khung kết cấu kiểu 6 hàng cột đều bằng gỗ lim, dựng theo kiểu thượng thu hạ thách, 4 cột cái gian giữa có đường kính tới 81cm. Tiếp đến là các cột cái gian bên có đường kính 60cm, các hàng cột quân và cột hiên có đường kính tương đối đồng đều nhau 50cm. Hệ thống cột được đặt trên các chân tảng bằng đá được đục đẽo kỹ lưỡng.





Hàng cột đình Chu Quyến.
Cột đình Chàng nổi tiếng từ xưa, được thể hiện trong các truyền thuyết, ca dao, tục ngữ dân gian và trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân làng Chu Quyến mà còn của cả vùng. Tương truyền xưa có cây gỗ to trôi dọc theo sông Hồng về đây, nửa gốc làm cột đình Chàng còn nửa ngọn làm cột đình Bom (hay đình Kiêng thuộc thôn Quang Húc, xã Đồng Quang). Sự bề thế to lớn của ngôi đình Chàng còn được lưu truyền trong dân gian với câu ví von “to như cột đình Chàng”, hay nhắc đến cùng với các vật phẩm nổi tiếng trong vùng: “cột đình Chàng, trống Vật Lại, mõ Cổ Đô”. Trong xã hội xưa, để gắn tình cảm gia đình với tình cảm quê hương trong sự tin cậy, người xứ Đoài còn nói: “con một như cột đình Chàng”.
Đại đình có 4 bộ vì chính liên kết bởi các thanh xà dọc tạo thành các bước gian với các vì mái theo kiểu chồng rường.
Câu đầu là những thân gỗ lớn đường kính tới 60cm vươn gối lên hai đầu cột cái đỡ vì nóc. Liên kết giữa dạ câu đầu với hai đầu cột cái qua đấu vuông thót đáy.
* Nghệ thuật điêu khắc trang trí:
Không chỉ có một phong cách kiến trúc độc đáo mà nghệ thuật điêu khắc trang trí ở đình Chu Quyến cũng không kém phần đặc sắc. Thể hiện qua điêu khắc trang trí trên đất nung và trên cấu kiện gỗ. Theo các nhà nghiên cứu, đình Chàng là một trong số ít những ngôi đình còn lưu giữ được các con giống bằng đất nung trên bờ nóc con xô, kìm nóc, đầu đao . . . Con xô tại hai đầu hồi mái có dáng phủ phục hướng về phía trước, hình tượng giống với con lân, thân mảnh các đao lửa từ thân hướng thẳng lên trời.





Hình tượng con xô tại hai đầu hồi
Một loạt các con giống bằng đất nung khác rất đẹp nằm trên bờ guột đầu đao, đang bò quay lưng về phía đầu đao, miệng há rộng ngậm bờ guột hoa chanh. Hình tượng đầu rồng bằng đất nung ở các đầu đao, đầu rồng mảnh thanh thoát, mắt to trợn tròn, miệng há rộng hướng về phía các đao lửa trên bờ guột. Mái của đình là nơi tập trung nhiều trang trí điêu khắc bằng đất nung và đắp vữa. Trên bờ nóc, đầu đao, vỉ ruồi đều có các mảng trang trí thể hiện hình ảnh các mây lửa mềm mại. Kỹ thuật trang trí bằng đất nung ở đình Chu Quyến có giá trị nghệ thuật khá đặc sắc.





Hình ảnh mái đình cong với các con xô





Hình ảnh mái đình cong với các con xô
Một trong những nét đặc sắc của đình Chu Quyến đó là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên cấu kiện gỗ mà trước hết phải nhắc tới hình tượng rồng. Rồng là đề tài chủ đạo ở đình Chàng và được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Rồng thường được nhìn từ phía bên với các đặc điểm: miệng rộng, hàng răng đều, tai như tai thú to, thân mập và vảy rõ ràng, thân rồng chìm trong đao mác, với các vân xoắn lớn làm gốc đao được thể hiện mềm mại như mây, nước mang ước vọng no đủ cho con người. Trên các đầu dư đỡ câu đầu, ở các bức cốn, là các nét chạm khắc rồng đang há miệng đớp viên ngọc, mũi nhô cao, hai mắt mở to tròn, trên trán và đuôi mắt có các đao mác vuốt dài ra phía sau. Trong nghệ thuật trang trí kiến trúc đình làng hình tượng rồng luôn là chủ đề xuyên suốt, xuất hiện trên hấu hết các mảng chạm của đình. Ngoài giá trị nghệ thuật trang trí, hình tượng rồng còn mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện ước vọng của con người, cầu mong một cuộc sống an hoà, thịnh vượng.



Trang trí rồng trên đầu dư đỡ câu đầu


Hình tượng rồng ở bức cốn






Hình tượng rồng trên các mảng chạm của đình


Hình tượng chim phượng
Ngoài đề tài rồng, phượng, nghệ thuật điêu khắc ở đình Chàng còn có các đề tài khác về con người. Hình tượng người thể hiện trên các bức chạm với khuôn mặt tròn đều đặn, đầu búi tó (ở mảng chạm trên ván gió cung thờ), qua các hoạt cảnh người cưỡi hổ, cưỡi voi, tướng cưỡi ngựa (các điêu khắc gỗ được gắn trực tiếp lên thân các cột cái hai gian bên), đấu vật (ở bức cốn vì nách phía sau gian giữa) hay cảnh mả táng hàm rồng (ở bức cốn vì nách trước gian bên phía nam) với nét chạm mềm mại: đầu to, mặt tròn, môi dày, mắt nhỏ, tai to, dáng mập.


Tướng cưỡi hổ


Tướng cưỡi ngựa



Mặt người trên ván gió cung thờ
Những mảng trang trí chạm khắc gỗ mẫu mực ở đình Chu Quyến mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Các đề tài phong phú với nét chạm khắc tinh xảo thể hiện sự tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân thời xưa. Đình Chu Quyến là một trong số ít các di tích kiến trúc gỗ cổ thế kỷ XVII hiện còn tồn tại và còn bảo tồn khá đầy đủ các thành phần gốc từ kiến trúc đến trang trí. Trong đình hiện tại còn lưu giữ những thần tích và các di vật cổ có giá trị lịch sử to lớn, đặc biệt là 15 đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng, Tây Sơn, triều Nguyễn phong thần cho Nhã Lang Vương. Bên cạnh đó đình còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của người dân trong làng. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân mà còn là nơi hội họp, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa – xã hội của cộng đồng làng xã, đúng như chức năng là trung tâm văn hóa, chính trị, tôn giáo của người dân từ bao đời nay.
Tất cả cho thấy đình Chu Quyến là công trình kiến trúc tín ngưỡng tiêu biểu của vùng cũng như của cả nước. Với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và các hiện vật còn lưu giữ được tại đình đã góp phần không nhỏ trong việc nghiên cứu lịch sử vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa - vùng đất cổ xứ Đoài.

Một số thông tin chung về đình Chu Quyến:
- Đình Chu Quyến thuộc làng Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội.
- Đình có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVII.
- Đình thờ vị Thành Hoàng làng Nhã Lang Vương.
- Đình được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử văn hoá theo quyết định số 313/QĐ ngày 28/04/1962.

* Nguồn tư liệu bài viết và ảnh: Viện Bảo tồn di tích
*Hồ sơ chi tiết về đình Chu Quyến tham khảo tại Phòng Tư liệu thông tin – Viện Bảo tồn di tích.

Nguồn tin: Viện Bảo tồn di tích

No comments:

Post a Comment