Tuesday, August 17, 2010

Hoàng thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới: Món quà vô giá và nỗi lo bảo tồn
Sau bao chờ đợi, cuối cùng, ngày 1-8 vừa qua, kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới họp tại Brasilia (thủ đô của Brasil) đã biểu quyết thông qua nghị quyết công nhận khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới. Món quà vô giá được chờ đợi, nay đã về trước ngày Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vì thế, làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị tốt nhất Hoàng thành Thăng Long với tư cách là “di văn hóa sản thế giới” là điều rất nhiều người quan tâm.

Bảo tồn thế nào?

Là một trong những người tham gia làm hồ sơ di sản khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, từ những ngày đầu, GS-TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã không giấu cảm xúc vỡ òa khi nhận được tin vui từ UNESCO gửi về. Việc khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận di sản văn hóa thế giới là niềm vinh dự, tự hào của mọi người dân nước Việt, đồng thời cũng đặt ra những nhiệm vụ và trách nhiệm to lớn của TP Hà Nội trong việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị của di sản. Về vấn đề này, GS Lưu Trần Tiêu cũng lưu ý rằng chúng ta đã phải trải qua nhiều khó khăn để có được thành quả là sự vinh danh của UNESCO, song đi cùng với nó là rất nhiều ràng buộc khắt khe về việc bảo tồn, vì thế ngay từ thời điểm này cần phải triển khai những biện pháp khoa học cần thiết.

Bắc Môn - thành cổ Hà Nội trên đường Phan Đình Phùng

Cùng quan điểm này, ông Bùi Minh Trí - Viện Khảo cổ học, người nhiều năm gắn bó công tác khảo cổ học tại khu vực Hoàng thành Thăng Long cho rằng do khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long nằm ngay trung tâm của thủ đô, nơi có mật độ dân cư đông đúc nên tìm ra phương pháp bảo tồn phù hợp không phải là vấn đề đơn giản. Đòi hỏi sự tham gia tích cực của nhiều ban, ngành cùng đông đảo người dân. Các nhà khoa học cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác khai quật khảo cổ tại đây nhằm làm sáng tỏ nhiều giá trị quý giá của di tích đang bị chôn vùi trong lòng đất.

Phát huy giá trị di sản

Hiện UBND TP Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - thành cổ Hà Nội đã hợp tác với nhiều nước có kinh nghiệm trong vấn đề này như Pháp, Nhật... để chuẩn bị các phương án bảo tồn di sản trong khu Hoàng thành Thăng Long và thảo ra quy hoạch phát triển sơ bộ cho khu vực này, khi trở thành một di tích trọng điểm đón khách tham quan trong năm 2010 - thời khắc Hà Nội bước vào 1.000 năm tuổi. Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích do tổ chức IMV và vùng Ille-de France đưa ra khá chi tiết đã được UNESCO chấp nhận.

Theo đó, những dấu tích quan trọng từ thời kỳ Thăng Long có thể vẫn còn ẩn chứa dưới lòng đất, vì thế, các giải pháp quy hoạch phải cân nhắc đến tầm quan trọng của các lớp khảo cổ dưới lòng đất và bất kỳ một hoạt động nào đào xuống lòng đất đều phải có sự can thiệp, giám sát của khảo cổ, để đưa ra kỹ thuật bảo tồn tốt nhất, từ đó vạch ra định hướng chung và những giải pháp về kỹ thuật bảo tồn.

Về cây xanh, IMV và vùng Ille-de France cho rằng, cây xanh đóng một vai trò quan trọng và có giá trị lớn đối với bức tranh chung của toàn bộ di tích. Do đó, tất cả cây xanh nên được giữ nguyên. Công tác duy trì và chăm sóc cây với sự giúp đỡ của các chuyên gia thực vật trong khu vực tham quan rộng lớn với điểm đến là hàng ngàn khách tham quan đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tổ chức IMV và vùng Ille-de France cũng lập kế hoạch về du lịch ở khu di tích đặc biệt này, nhằm đảm bảo di tích không bị hư hại. Khách du lịch đến đây với lượng vừa phải và không được đi qua thềm Rồng.

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử cho biết UNESCO yêu cầu chúng ta phải bảo đảm an toàn khu di sản, tiếp tục nghiên cứu và mở rộng khi có thể. Như thế công việc này còn tiếp tục lâu dài. Chúng ta sẽ tổ chức trong thành cổ Hà Nội 3 nhà trưng bày. Thứ nhất là khu nhà tác chiến của Pháp trước đây, sửa sang lại. Các chuyên gia Pháp đã giúp chúng ta tổ chức trưng bày với kỹ thuật rất hiện đại, trưng bày những hiện vật tiêu biểu nhất. Hai khu khác do chúng ta làm đó là hai chuyên đề, một về kiến trúc, một về đời sống cung đình, trưng bày hai bên điện Kính Thiên; đến đầu tháng 9 sẽ mở cửa. Dự án thứ hai là bảo tồn ở mức cần thiết, sửa mái che, đặc biệt lập cầu sắt đi lại trên các hố khai quật. Viện Khảo cổ đang làm và cũng sắp hoàn thành.

THU HÀ

No comments:

Post a Comment