Tuesday, August 17, 2010

Đình Phương Châu

Đình Phương Châu
* Giới thiệu chung:
Đình Phương Châu thuộc thôn Phương Châu, xã Phú Phương, huyện Ba Vì, Hà Nội. Đình nằm ở vị trí trung tâm của làng, xung quanh là dân cư đông đúc. Từ Hà Nội đi theo đường Láng – Hòa Lạc qua thị xã Sơn Tây tới thị trấn Quảng Oai, huyện Ba Vì, rẽ phải theo đê sông Hồng khoảng 7km đến điếm canh đê số 15 rẽ phải xuống chân đê chừng 300m là tới đình Phương Châu. Đình được xây dựng trên một gò đất cao ráo, thoáng đãng, trước đình có ngọn núi Tản Viên làm tiền án, phía sau có dòng sông Hồng làm hậu chẩm tạo thành một thế tiền sơn hậu thuỷ. Di tích hiện nay còn một số công trình như nhà Hữu vu, Đại đình, Hậu cung.



Mặt trước đình Phương Châu
Đình Phương Châu có niên đại khởi dựng tương đối vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII. Theo sự tích ghi chép trong bản thần tích được lưu giữ tại đình thì đình Phương Châu thờ Thánh Cao Sơn và Quý Minh đại vương làm Thành hoàng làng. Theo phân loại chung đình thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật. Phân loại theo chức năng đình là công trình công cộng và tín ngưỡng của làng xã. Với những giá trị kiến trúc, nghệ thuật, đình đã được Bộ Văn hoá công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật theo quyết định số 05/1999 - QĐ - BVHTT ngày 12/02/1999
* Đặc điểm kiến trúc:
Đại đình của đình làng Phương Châu có mặt bằng nền kiểu chữ “Đinh” nhưng mặt bằng mái lại theo kiểu chữ “Công” (vốn trước đây chỉ có một toà Đại bái được làm theo kiểu chữ “Nhất”, đến thời vua Tự Đức triều Nguyễn đã làm thêm một toà Hậu cung nối vào phía sau để thờ Thành hoàng). Điều đặc biệt là tại đình làng Phương Châu có kiểu hậu cung kép (tức hậu cung trong hậu cung). Từ ngoài vào đi qua cổng là một sân rộng, dọc theo bên trái là toà Hữu vu, được xây dựng theo kiểu 6 gian tường hồi bít đốc. Qua khỏi sân là ngôi Đại đình bề thế uy nghiêm, bao gồm các toà đại bái, ống muống và hậu cung tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Đây là kiến trúc còn được giữ gìn khá nguyên vẹn, mang những giá trị kiến trúc, nghệ thuật truyền thống.
Đại bái bao gồm 3 gian 2 chái với kết cấu 1 tầng 4 mái có đao. Cũng như nhiều kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng cổ truyền khác của người Việt, mái tòa Đại bái đình làng Phương Châu to rộng, trùm gần hết kết cấu khung gỗ, cùng với những con giống và thời gian đã phủ lên một màu rêu phong tạo nên dáng vẻ cổ kính, thâm trầm của ngôi đình. Bộ khung được chia thành sáu hàng chân cột. Các cột tạo tác theo kiểu thượng thu hạ thách. Cấu trúc vì nóc theo kiểu giá chiêng rường cụt và chồng rường. Kết cấu các bộ vì nách kiểu chồng rường. Vì hiên có cấu trúc kiểu kẻ truyền. Đối với hệ thống xà, trên đầu các cột có hệ thống xà để giằng các bộ vì tạo thành hệ khung. Cả xà cột cái và xà cột quân đều soi vỏ măng hai bên và bào trơn đóng bén, bụng và lưng phẳng, không có trang trí.
Ống muống là phần nối liền giữa Đại bái và Hậu cung. Ống muống có một gian, hai bộ vì với 4 hàng chân cột. Vì nóc có hai loại: chồng rường biến thể và chồng rường. Vì nóc phía trước được làm theo kiểu chồng rường biến thể. Vì nóc sau được làm theo kiểu chồng rường. Vì nách phía trước được làm theo kiểu kẻ. Vì nách phía trong được tạo tác kiểu chồng rường.
Hậu cung đình làng Phương Châu là dạng hậu cung kép, có một gác lửng ở trên, nằm lọt hoàn toàn giữa tòa Hậu cung. Gác lửng này có dạng như một cái am thờ lớn bằng ván dựng trên sàn cao 1.8m, hai bên và phía sau bưng kín. Phía trước có hệ cửa bức bàn chỉ mở vào dịp đại lễ. Hình thức Hậu cung kép này mang ý nghĩa đề cao thần linh và tạo sự thâm nghiêm nơi cung cấm.
* Nghệ thuật trang trí:
Cũng như bao ngôi đình khác ở vùng châu thổ Bắc bộ, đình Phương Châu cũng hiện diện nghệ thuật điêu khắc trang trí trên các cấu kiện kiến trúc. Nghệ thuật trang trí ở đây có một số trên đất nung, vôi vữa (trên hai đầu bờ nóc Đại bái có hai kìm nóc dạng lân đứng, có niên đại sớm và rất có giá trị về mặt nghệ thuật) và đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc trang trí trên gỗ với các đề tài linh vật rồng và con người với bức chạm “người cưỡi hổ”, dưới đầu dư, ở hai cột gian bên. Tuy nhiên hình tượng rồng vẫn chiếm vị trí chủ đạo. Dưới bàn tay tài hoa khéo léo, bộ óc thông minh, sáng tạo của các nghệ nhân đương thời, hình ảnh rồng xuất hiện với rất nhiều dáng vẻ, toát nên sắc thái, tình cảm khác nhau. Từ hình ảnh oai phong, lẫm liệt của hình tượng rồng trên đầu dư đến thái độ rụt rè ở các bức chạm trên vì nách, phóng khoáng, dũng mãnh tung mình trong mây ở bức chạm rồng chầu mặt trời, hiền từ trong hoạt cảnh “rước rồng”. Từ các bức chạm khắc đó đã phản ánh phần nào cuộc sống của người dân thời xưa cũng như mơ ước về một cuộc sống ấm no, vui tươi và thanh bình. Đặc điểm của nghệ thuật điêu khắc trang trí ở đình Phương Châu mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII) và phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.


Hình tượng rồng trên đầu dư


Bức chạm hoạt cảnh rước rồng


Bức chạm người cưỡi hổ
Một điều đặc biệt có giá trị to lớn về mặt nghệ thuật cũng như lịch sử đó là hiện tại ở đình Phương Châu còn lưu giữ được khá nhiều những di vật cổ. Các di vật ở đây khá phong phú về thể loại cũng như chất liệu và hiện trạng còn khá nguyên vẹn. Các di vật được phân theo các nhóm sau:


Hương án
Nhóm di vật có chất liệu bằng gỗ: 03 cỗ kiệu sơn son thếp vàng từ thời Lê Trung hưng gồm kiệu Ngự được chạm nổi tỉ mỉ, công phu và sơn son thếp vàng lộng lẫy; kiệu văn và kiệu nước. 02 cỗ long ngai và bài vị mang phong cách thế kỷ XVII 02 bộ bát bửu có 16 chiếc mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. 02 hạc gỗ cao 2.5m mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVII. 02 nghê thờ gỗ mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVII đầu XVIII. 01 hương án cao 1.65m, rộng 0.75m, dài 1.75m chạm lộng công phu hai tầng, chạm kênh bong cả bốn mặt với nhiều lớp hoa văn trang trí, chủ đạo vẫn là đề tài truyền thống tứ linh mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. 01 sập thờ gỗ được chạm lộng 1.8m, cao 0.64m, rộng 1.28m ở giữa chạm hình lưỡng long chầu nhật, trên thân rồng điểm xuyết nhiều đao mác, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. 04 bức hoành phi mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XIX. Ở gian giữa Đại bái còn có bộ cửa võng chạm nổi đề tài “Lưỡng Long chầu nguyệt” mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Gian bên bên phải đại đình còn bộ cửa võng tuy không còn hoàn chỉnh nhưng dựa vào những nét chạm khắc có thể đoán định chúng được tạo tác ở thế kỷ XVIII. Trong Hậu cung của đình còn một khám lớn bằng gỗ, trong khám bài trí trang trọng long ngai bài vị thờ Thành hoàng làng cùng một số di vật quý, hòm gỗ sơn son thếp vàng cùng thần phả sắc phong.


Cỗ long ngai
Nhóm di vật có chất liệu bằng sứ, gốm, đá, ngà: 01 bát hương sứ cao 14cm, đường kính 28cm mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. 03 hồ rượu thắt cổ bồng và 01 bát hương gốm mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. 02 choé cổ cùng số đo cao 48cm, đường kính 13cm, vân xanh lam vẽ tích cảnh sơn thuỷ (ông lão đi qua cầu, có hai tiểu đồng đi hai bên) được tạo tác vào đời nhà Thanh, Trung Quốc.



Sập thờ gỗ chạm đề tài


Long ngai bài vị thờ Thành hoàng làng lưỡng long chầu nhật


Hạc thờ


Ban thờ và các di vật
Nhóm di vật có chất liệu bằng đồng: 01 chiêng đồng với phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XIX đầu XX. 02 hạc đồng mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII. 01 lư hương (trúc mai hoá rồng), 02 đài đồng to, 03 đài đồng nhỏ, 02 cây đèn đồng mang phong cách thế kỷ XIX.
Nhóm di vật có chất liệu bằng giấy: Hiện trong đình Phương Châu còn lưu giữ 18 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến phong cho các vị Thành hoàng làng từ triều Lê đến triều Nguyễn (từ 1637 đến 1924).




Các sắc phong còn lưu giữ trong đình
Đình Phương Châu nằm trong vùng đất cổ, thuộc vùng cư trú sớm của cư dân nước Văn Lang từ buổi đầu dựng nước. Trong đình còn lưu giữ nhiều thành phần kiến trúc gốc có giá trị về văn hoá, nghệ thuật, lịch sử. Đồng thời đình còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng dân cư với các hoạt động hội làng, các hoạt động văn hoá – xã hội của người dân trong làng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, ngôi đình Phương Châu đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử: đây là nơi cất giấu cán bộ cách mạng, nơi phát động khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, nơi tiễn hàng nghìn con em Phương Châu lên đường bảo vệ tổ quốc. Hiện tại đình có rất nhiều cấu kiện đã xuống cấp nghiêm trọng: các xà, bảy bị mục rỗng, các cột phải dùng xi măng để gia cố . . . Do vậy, cần có sự tôn tạo, tu bổ kịp thời những chỗ hư hỏng, đặc biệt là công tác bảo tồn những di vật cổ quý hiếm hiện có trong đình. Với những giá trị lịch sử, văn hoá và nghệ thuật như trên Đình Phương Châu thực sự đã góp phần làm giàu lịch sử truyền thống của địa phương nói chung và truyền thống của cả dân tộc nói chung.
Một số thông tin về đình Phương Châu:
- Đình Phương Châu thuộc thôn Phương Châu, xã Phú Phương, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.
- Đình thờ Thánh Cao Sơn và Quý Minh đại vương làm Thành hoàng làng.
- Đình có niên đại khởi dựng tương đối vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII.
- Đình đã được Bộ Văn hoá công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật theo quyết định số 05/1999 - QĐ - BVHTT ngày 12/02/1999

* Nguồn tư liệu bài viết và ảnh: Viện Bảo tồn di tích
*Hồ sơ chi tiết về đình Phương Châu tham khảo tại Phòng Tư liệu thông tin – Viện Bảo tồn di tích.

Nguồn tin: Viện Bảo tồn di tích

No comments:

Post a Comment