Tuesday, August 17, 2010

Bảo tồn Khu di tích Mỹ Sơn, quan điểm và giải pháp


Bảo tồn Khu di tích Mỹ Sơn, quan điểm và giải pháp

(Tham luận Hội thảo khoa học nhân dịp kỷ niệm 10 năm Hội An và Mỹ Sơn là Di sản thế giới, Hà Nội 22-11-2009)

Năm 1999, Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã đưa Thánh địa Mỹ Sơn vào danh mục Di sản thế giới. Đây là một cột mốc quan trọng, thêm một lần nữa khẳng định giá trị kiệt xuất của quần thể di tích này trên phạm vi toàn cầu. Thực ra, ngay từ những năm đầu của thế kỷ trước, những nhà nghiên cứu người Pháp đã phát hiện ra khu di tích này và từ đó đến nay nó luôn được nhìn nhận và quan tâm như một di sản đặc biệt của nhân loại. Nhân dịp 10 năm Mỹ Sơn là di sản thế giới, chúng ta cùng nhìn lại quá trình bảo tồn quần thể di tích này để làm tốt hơn việc bảo tồn và phát huy giá trị của nó trong thời gian tới.

Trước hết, cần xác định những đặc điểm quan trọng của khu di tích dưới góc độ phân tích làm cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn. Theo cách đó, Khu di tích Mỹ Sơn là một phế tích kiến trúc gạch có niên đại xa xưa tồn tại trong một môi trường khắc nghiệt với các đặc điểm cụ thể sau:

- Các di tích là các kiến trúc gạch do người Chăm xây dựng có niên đại xa xưa (TK IV đến TK XIII) cho đến nay vẫn còn nhiều ẩn số về vật liệu (gạch, chất kết dính) và kỹ thuật xây dựng.

- Khu di tích đã bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn trong chiến tranh nên đã bị đổ vớ, mất mát và xáo trộn quá nhiều, không công trình nào còn nguyên vẹn, phần lớn chỉ còn nền móng và một số phần tường phía trên, cá biệt có một vài công trình còn lại phần mái vòm (C1, B5, E7). Sân, đường đi hầu như không còn dấu vết gì.

- Đây là quần thể các khu đền thờ của người Chăm cổ trong suốt một thời gian dài của lịch sử. Nhưng cũng từ nhiều thế kỷ nay đã hoàn toàn không còn được sử dụng theo chức năng vốn có của nó. Thánh địa này hiện nay không có “quan hệ” gì với đời sống tín ngưỡng của người Chăm hiện nay, nên nó chỉ còn là những dấu tích lịch sử, di tích kiến trúc của một nền văn minh đã bị tàn phai.

- Khu di tích nằm biệt lập trong thung lũng xung quanh là rừng, núi bao phủ. Địa thế này tạo ra một tiểu vùng khí hậu hết sức khắc nghiệt, tác động xấu đến sự tồn tại của các công trình kiến trúc, đặc biệt là sự biến đổi nhiệt độ, độ ẩm với biên độ lớn và những điều kiện thuận lợi cho các cây cỏ dại phát triển xâm hại di tích.

Khu di tích Mỹ Sơn là một phế tích kiến trúc gạch

Với những đặc điểm và tình trạng đặc biệt nêu trên, việc bảo tồn trùng tu các di tích kiến trúc Chăm ở Mỹ Sơn luôn là một công việc hết sức khó khăn, một thách thức lớn đối với những người làm công tác bảo tồn di tích Việt Nam cũng như các chuyên gia quốc tế. Mặc dù vây, trong những năm qua, với những nỗ lực không ngừng của các cấp quản lý, các nhà chuyên môn, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức và chuyên gia quốc tế, chúng ta đã từng bước cứu vãn, bảo tồn, trùng tu khu di tích này với kết quả tốt. Các di tích đã thoát khỏi sự “vây hãm” của bom mìn chiến tranh để lại, đất đá, cây cỏ dại bao trùm. Chúng ta đã chấm dứt quá trình đổ vỡ, mất mát của các di tích; gia cố, bảo quản và khôi phục từng phần nhằm đảm bảo sự bền vững và ổn định lâu dài, bộc lộ và bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật của chúng.

Sau khi bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, công cuộc trùng tu các di tích ở Mỹ Sơn được bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước với hoạt động của Tiểu ban hợp tác Ba Lan - Việt Nam đứng đầu là cố kiến trúc sư Kazimier Kwiatkowski (một “hiệp sĩ” từ đất nước Ba Lan xa xôi đã hết lòng vì sự nghiệp bảo tồn di tích ở Việt Nam và đã trút hơi thở cuối cùng tại nơi này khi đang làm việc quên mình vì di tích). Đã từng tồn tại những ý kiến khác nhau về việc trùng tu di tích Chăm ở Mỹ Sơn thời gian đó, song có thể khẳng định (như một số chuyên gia quốc tế đã từng nhận định) rằng hoạt động của tiểu ban Ba Lan - Việt Nam ở Mỹ Sơn cũng như các di tích khác ở Miền Trung đã làm được tốt nhất những điều có thể trong những hoàn cảnh và điều kiện kỹ thuật, kinh tế - xã hội lúc bấy giờ. Hơn thế nữa, có những điều không thể phủ nhận là với các đợt trùng tu đó các di tích kiến trúc Chăm đã “thoát thai” từ sự bao phủ của bom mìn, đất đá và cỏ dại, quá trình đổ vỡ mất mát được chấm dứt, dấu tích lịch sử, diện mạo kiến trúc được bộc lộ, các thành phần kiến trúc đã được gia cố, tái định vị, đứng vững với thời gian trong môi trường khắc nghiệt và đặc biệt những việc đã làm không hề làm mất mát hay suy giảm giá trị vốn có của di sản không tạo nhầm lẫn về thông tin, đồng thời không cản trở những công việc bảo tồn trùng tu tiếp theo chúng ta đang làm và các thế hệ sau sẽ làm.

Hoạt động của tiểu ban Ba Lan - Việt Nam ở Mỹ Sơn năm 1987

Sau khi chương trình hợp tác Ba Lan - Việt Nam kết thúc, việc nghiên cứu và bảo tồn khu di tích Mỹ Sơn tiếp tục được thực hiện bởi các nhà chuyên môn của Việt Nam và sự hỗ trợ, hợp tác của các chuyên gia Ba Lan, CHLB, Đức, Pháp …. Từ năm 2004 công việc trùng tu di tích ở Mỹ Sơn được “nóng” trở lại bằng dự án “Bảo tồn di sản thế giới Mỹ Sơn Thuyết minh và đào tạo trong ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn di sản thế giới tại nhóm tháp G Mỹ Sơn” với sự giúp đỡ của chính phủ Italy thông qua quỹ Lerici các chuyên gia Italy đã phối hợp với đội ngũ chuyên môn của Việt Nam tiếp tục công cuộc bảo tồn trùng tu tại khu di tích Mỹ Sơn. Công việc đã được thực hiện một cách thận trọng và theo những “bài bản” khoa học ở trình độ quốc tế (như tên gọi và mục tiêu của dự án). Đặc biệt những nghiên cứu về vật liệu và kỹ thuật xây dựng của người Chăm cổ đã được thực hiện tại hiện trường và trong các phòng thí nghiệm hiện đại ở Italy một cách kỹ lưỡng. Việc nghiên cứu, khảo sát và khai quật khảo cổ học được thực hiện hết sức tỉ mỉ và cẩn trọng. Những nội dung này đã giúp tăng sự hiểu biết về các di sản kiến trúc Chăm và phục vụ trực tiếp và hữu ích cho công tác bảo tồn, trùng tu các di tích dạng phế tích này. Những giải pháp kỹ thuật được áp dụng ở nhóm tháp G lần này, sau những kết quả nghiên cứu khoa học, đã được nâng lên một bước so với trước đây, với việc sử dụng gạch phục chế và chất kết dính có nguồn gốc thực vật. Tuy nhiên, có một vấn đề hết sức quan trọng là tuy giải pháp kỹ thuật có thay đổi nhưng những nhìn nhận, những quan điểm và định hướng cơ bản về bảo tồn trùng tu các di tích Chăm tại Khu di tích Mỹ Sơn là vẫn thống nhất với nhau giữa các “thế hệ” chuyên gia đến từ nhiều nước trên thế giới và những người đã trực tiếp tham gia công cuộc bảo tồn, trùng tu ở đây. Dự án đang được tiếp tục thực hiện giai đoạn II, dưới sự giám sát của UNESCO Việt Nam, với những kết quả rất khả quan.

Trùng tu nhóm tháp G (2004-2009)

Hôm nay chúng ta kỷ niệm 10 năm khu di tích Mỹ Sơn được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới, nhưng công cuộc bảo tồn, trùng tu khu di tích này đã được gần 30 năm (tính từ khi chương trình hợp tác Ba Lan - Việt Nam được thực hiện năm 1981, không kể giai đoạn người Pháp đã nghiên cứu và cũng có một số hoạt động bảo tồn ở Mỹ Sơn trước đây vì lúc đó là thời điểm khu di tích chưa bị bom đạn chiến tranh tàn phá). 30 năm có thể chỉ là khoảnh khắc của lịch sử nhưng cũng là một thời gian đáng kể của một thế hệ những người làm bảo tồn di tích đã đến với Mỹ Sơn, những chuyên gia có uy tín đến từ nhiều nước trên thế giới như Ba Lan, Đức, Pháp, Italy … và các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực này. Thời gian đó đủ để nhìn nhận, đánh giá một quá trình, định hình những quan điểm và xác định những giải pháp cơ bản được coi là phù hợp. Ở thời điểm này xin được đưa ra một số quan điểm, định hướng, giải pháp cơ bản được hình thành trong suốt quá trình nêu trên về bảo tồn, trùng tu di tích kiến trúc Chăm tại Mỹ Sơn như sau:

Về quan điểm bảo tồn, trùng tu: Các di tích ở Mỹ sơn là dạng phế tích kiến trúc gạch có niên đại xa xưa, với những dấu tích vật chất nguyên gốc của lịch sử, bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn trong chiến tranh, và luôn phải đối mặt với môi trường, khí hậu hết sức khắc nghiệt. Việc trùng tu và cách ứng xử với các phế tích này cần được thực hiện theo phương pháp “Trùng tu khảo cổ học”, tức là chủ yếu là gia cố, định vị để giữ gìn cho được các dấu tích vật chất còn lại, đảm bảo sự ổn định, bền vững lâu dài, việc phục hồi từng phần các khối xây cũng nhằm mục đích để định vị, gia cố và bảo tồn các thành phần gốc hiện còn. Không đặt vấn đề phục dựng các kiến trúc hay những thành phần điêu khắc đã mất.

Cần nhấn mạnh rằng quan điểm này được các nhà khoa học áp dụng ở hầu hết các di tích cổ xưa dạng phế tích kiến trúc gạch, đá tại các nước hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn di tích như Italy, Hy Lạp, Ai Cập, Anh, Pháp… Các chuyên gia quốc tế đến với Mỹ Sơn từ các nước khác nhau cũng đều đồng thuận với quan điểm này để ứng xử với khu di tích Mỹ Sơn. Điều này cần nói rõ vì ở Việt Nam đã hình thành xu hướng phục dựng lại các kiến trúc Chăm, Tháp Bình Thạnh ở Tây Ninh, Tháp Hoà Lai ở Bình Thuận, Tháp Phú Diễn (Mỹ Khánh) ở Huế và một số di tích Chăm khác đã được trùng tu theo cách xây lại những phần đã mất, các điêu khắc, trang trí cũng được tạo lại một cách “hồn nhiên” (từ của một số bài trên báo). Có thể còn nhiều ý kiến khác nhau về cách làm đó, song có lẽ tuyệt đối không nên áp dụng xu hướng này vào khu di tích Mỹ Sơn.


Trùng tu Tháp Bình Thạnh


Trùng tu tháp Hòa Lai

Những phần đã mất được xây lại, các điêu khắc, trang trí cũng được tạo lại một cách “hồn nhiên”… cách làm tuyệt đối không nên áp dụng vào việc trùng tu khu di tích Mỹ Sơn.

Về định hướng công tác bảo tồn, trùng tu: Mỹ Sơn là một tổng thể rộng lớn, nhiều nhóm tháp, nhiều công trình. Khối lượng việc bảo tồn trùng tu là rất đồ sộ và phức tạp, các vấn đề về kỹ thuật, vật liệu còn đang được tiếp tục nghiên cứu. Do đó công tác bảo tồn trùng tu vẫn phải tiến hành từng bước thận trọng. Từ quan điểm cơ bản đã nêu ở trên, việc bảo tồn, trùng tu di tích Chăm ở Mỹ Sơn đã xác định được hướng đi với 3 bước cơ bản là:

- Nghiên cứu, khảo sát, phát lộ và khai quật khảo cổ học để tăng tri thức về các di tích Chăm ở đây và phục vụ trực tiếp cho công tác bảo tồn trùng tu.

- Gia cố, định vị, tái định vị để chấm dứt quá trình xuống cấp, huỷ hoại, đảm bảo độ bền vững và ổn định lâu dài của di tích mà không làm sai lệch những đặc điểm, giá trị của di tích.

- Phục hồi từng phần trên cơ sở dữ liệu tại chỗ tại những vị trí thật cần thiết nhằm định hình không gian, khối kiến trúc cơ bản và bảo vệ các thành phần nguyên gốc lân cận.

Cần đặc biệt lưu ý việc phát lộ hay khai quật khảo cổ học nhằm mục đích bộc lộ đầy đủ đặc điểm giá trị của di tích và phục vụ trực tiếp cho công việc bảo quản, tu bổ chứ không phải là để khám phá. Đồng thời, quá trình phát lộ, khai quật phải gắn liền với việc gia cố tu bổ để đảm bảo phát lộ đến đâu được gia cố tu bổ đến đó, di tích không bị hư hại thêm nữa sau khi khai quật như ví dụ thực tế việc khảo cổ ở tháp F1 của Mỹ Sơn. Trong các bước đi trên, việc phục hồi là rất hạn chế, việc gia cố định vị vẫn luôn là việc được ưu tiên và là việc phù hợp nhất.

Về giải pháp kỹ thuật: Sẽ không có một giải pháp kỹ thuật chung cho các di tích, mỗi một trường hợp, một vị trí cụ thể căn cứ thực trạng sẽ xác định giải pháp tương ứng và phù hợp nhất. Tuy nhiên, các giải pháp kỹ thuật cơ bản được sử dụng ở đây là:

- Giải pháp gia cố (consolidation): đây là giải pháp chính được ưu tiên sử dụng như đã trình bày ở trên. Việc gia cố cũng ưu tiên sử dụng lại các viên gạch cũ tìm thấy ở di tích, tuy nhiên trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng vật liệu mới đặt ngầm hoặc tuỳ trường hợp cụ thể có thể lộ thiên để giữ cho các thành phần gốc đứng vững, ngăn chặn quá trình xuống cấp hay hư hại, đảm bảo sự ổn định lâu dài của các thành phần gốc.

- Giải pháp tái dịnh vị (anastilose): thu nhặt các thành phần kiến trúc, các chi tiết bị rơi vãi, đưa chúng về vị trí được xác định là vị trí nguyên gốc. Sắp xếp gắn kết lại các khối xây, các thành phần kiến trúc đã bị dịch chuyển, sụp đổ về vị trí ban đầu xác định được.

- Giải pháp khôi phục từng phần: Theo quan điểm đã được trình bày ở trên, việc khôi phục từng phần cần được thực hiện hết sức hạn chế và thận trọng trong các trường hợp cần thiết nhằm định hình các khối và không gian kiến trúc cơ bản và để gia cố dịnh vị các thành phần gốc, không phục hồi các thành phần điêu khắc (trừ một số gờ chỉ đơn giản để đảm bảo sự thống nhất của các bề mặt tường). Trong việc khôi phục từng phần, các thành phần xây mới phải có hình thức phân biệt với các thành phần gốc.

Ba giải pháp cơ bản trên được phối hợp với nhau một cách hữu cơ và với một “liều lượng” phù hợp với từng đối tượng, vị trí cụ thể nhằm đảm bảo hiệu quả bảo tồn, trùng tu với mục tiêu cao nhất là giữ gìn các thành phần nguyên gốc còn lại. Ngoài ra, việc bảo tồn, trùng tu sẽ được kết hợp với một số giải pháp khác như tổ chức trưng bày tại di tích, cải thiện các điều kiện kỹ thuật hạ tầng, bổ sung các thành phần phụ trợ như sân, đường đi, cây xanh…để truyền đạt thông tin đầy đủ nhất có thể đối với khách tham quan và phát huy giá trị của di tích với xã hội và cộng đồng.

Về vấn đế sử dụng vật liệu và kỹ thuật khối xây: Cho đến nay chưa có một sự khẳng định nào thực sự thuyết phục về vật liệu gạch và kỹ thuật xây của người Chăm cổ đã tạo dựng các kiến trúc đền tháp Chăm còn tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên việc sử dụng vật liệu để trùng tu tháp Chăm có thể theo hướng tìm kiếm, sản xuất các vật liệu có đặc tính gần giống nhất có thể với vật liệu gốc, đạt được độ tương đồng về cấu trúc khối xây và hiệu quả thẩm mỹ, đồng nhất về kết cấu và không gây hại cho vật liệu gốc, cũng như đảm bảo độ bền vững, ổn định lâu dài của di tích.

Cùng với việc gia cố, tu bổ, các giải pháp loại trừ các tác nhân gây hại và bảo quản vật liệu của di tích cũng phải được tiến hành đồng thời như: Diệt cây cỏ, diệt nấm mốc, làm kín các loại vết nứt bề mặt, giải phóng các loại muối, bảo quản bề mặt gạch chống sự mài mòn và xâm thực của môi trường.

Công cuộc bảo tồn, trùng tu quẩn thể di tích kiến trúc Chăm tại Mỹ Sơn vẫn đang được tiếp tục, các giải pháp kỹ thuật cũng như các điều kiện khác cho công tác bảo tồn, trùng tu có thể sẽ được bổ sung, cập nhật trong thời gian tới. Song có thể thấy rằng những quan điểm, định hướng và giải pháp cơ bản đối với khu di tích này đã được định hình và đang đang được áp dụng có kết quả tốt.


Mỹ Sơn tiếp tục được bảo tồn , trùng tu theo quan điểm đã được xác định

Tại Mỹ Sơn, mặc dù những dấu vết còn lại ngày nay quá ít ỏi so với những gì đã từng tồn tại ở đây nhưng khu di tích này vẫn là quẩn thể di tích kiến trúc thuộc loại lớn nhất và có giá trị nhất trong di sản văn hoá Chăm. Với những giá trị lịch sử văn hoá biểu hiện qua nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, quần thể kiến trúc đền tháp Mỹ Sơn luôn được đánh giá cao và ngày càng thu hút nhiều khách tham quan, nghiên cứu từ khắp nơi trong và ngoài nước. Sau khi hứng chịu những thảm họa từ chiến tranh, các di tích ở Mỹ Sơn đã “may mắn” nhận được sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng, của các cấp quản lý (đặc biệt là của tỉnh Quảng Nam và huyện Duy Xuyên), các chuyên gia trong nước và quốc tế, những người đã hết lòng và dày công cứu vãn, bảo tồn những dấu tích lịch sử, những kiệt tác kiến trúc còn lại. Công việc còn quá “bộn bề” nhưng với những bước đi thận trọng và vững chắc, đã có cơ sở để tin tưởng rằng chúng ta sẽ làm tốt công việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích này.

Lê Thành Vinh

Viện Bảo tồn di tích

No comments:

Post a Comment