Tuesday, August 17, 2010

Dạo qua các “tân” di sản thế giới

Dạo qua các “tân” di sản thế giới
Từ núi Tung Sơn của Trung Quốc đến thành phố cổ ở Pháp

Cùng với Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam, UNESCO còn công nhận các di tích lịch sử ở Đăng Phong, Trung Quốc. Núi Tung Sơn được xem là một ngọn núi thiêng ở Trung Quốc. Ở chân ngọn núi cao 1.500m, gần với thành phố Đăng Phong và trải rộng trên khu vực 40km2, có 8 quần thể công trình và di tích chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hóa như Thiếu Lâm Tự, Tung Dương thư viện, Trung Nhạc Miếu... Được xây dựng trong vòng 9 triều đại, các công trình này phản ánh những khác biệt trong sự nhận thức về trung tâm thiên địa và cho thấy vị trí của ngọn núi như một trung tâm tín ngưỡng. Một số di tích lịch sử ở Đăng Phong đã cho thấy những ví dụ đỉnh cao về nghệ thuật xây dựng các công trình chuyên dùng cho hoạt động mang tính lễ nghi, khoa học, công nghệ và giáo dục.


Di tích Tung Sơn, Trung Quốc
Bên cạnh đó là địa điểm khảo cổ Sarazm, Tajikistan. Sarazm có nghĩa “nơi đất đai bắt đầu”, là công trình khảo cổ mang bằng chứng về sự phát triển của các khu định cư của con người ở Trung Á, từ thiên niên kỷ thứ 4 trước Công Nguyên đến cuối thiên niên kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. Đây là di sản thế giới đầu tiên ở Tajikistan. Các di tích còn sót lại cho thấy bước đầu trong sự phát triển sơ khai của một thành phố ở khu vực này. Sarazm cũng thể hiện sự tồn tại của hoạt động trao đổi thương mại và văn hóa, quan hệ thương mại giữa nhiều người, trên một khu vực địa lý rộng lớn, mở rộng từ các thảo nguyên ở Trung Á và Turkmenistan tới cao nguyên Iran, thung lũng Indus và xa tới tận Ấn Độ Dương.

Tiếp đến là thành phố Albi, Pháp. Nằm bên bờ sông Tarn ở Tây Nam Pháp, thành phố Albi đã cho thấy đỉnh cao của sự kết hợp giữa kiến trúc Trung cổ và đặc điểm chung của đô thị. Theo sau cuộc thập tự chinh, Albi trở thành một thành phố nhà thờ quyền lực. Thành phố này đã hình thành một loạt các di tích có giá trị văn hóa cao, hầu như không thay đổi nhiều sau hàng thế kỷ.

UNESCO cũng đưa vào danh sách hệ thống kênh dẫn nước Singelgracht, Amsterdam, Hà Lan. Con kênh lịch sử này được xây dựng vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17. Nó gồm một mạng lưới các kênh đào ở hướng Tây và hướng Nam của Amsterdam. Đây là dự án dài hạn nhằm mở rộng Amsterdam thông qua việc làm cho các vùng đất lầy lội trở nên khô ráo, thông qua việc tiêu bớt nước nhờ hệ thống kênh đào. Hệ thống kênh này đã cho phép phát triển công trình đô thị lớn nhất tính theo thời đại đó và là mô hình tham khảo trên khắp thế giới cho tới tận thế kỷ 19.


Thành phố Albi của Pháp
Đức đạt ước mơ sau thung lũng Elbe

Một di sản khác được đưa vào danh sách là hệ thống quản lý nước Upper Harz, Đức. Như TT&VH đã đưa tin hôm 31/7, Đức đã đề cử di sản này với hy vọng “thay thế” cho một di sản vừa bị tước danh hiệu. Đó là thung lũng Elbe, sau khi cảnh báo chính quyền địa phương về quyết định xây cây cầu gồm 4 làn xe vắt qua sông Elbe làm ảnh hưởng đến cảnh quan di sản, UNESCO đã ra quyết định thu hồi danh hiệu đã công nhận cho di sản này.

Hệ thống khai thác quản lý nước Upper Harz nằm ở phía Nam mỏ Rammelsberg và thị trấn Goslar, đã được phát triển trong khoảng 800 năm để hỗ trợ tiến trình xử lý quặng phục vụ sản xuất kim loại màu. Hoạt động xây dựng hệ thống này diễn ra từ thời Trung cổ, bởi các thầy tu Cistercian và tiếp đó được phát triển trên quy mô lớn từ cuối thế kỷ 16 cho tới thế kỷ 19. Hệ thống này được tạo thành từ một tổ hợp phức tạp gồm vô số ao nhân tạo, kênh dẫn nước nhỏ, ống nước và đường nước ngầm... được kết hợp chặt chẽ với nhau. Hệ thống quản lý nước này là một trong những bằng chứng lịch sử cho thấy những đổi mới mang tích cách mạng trong hoạt động khai khoáng ở thế giới phương Tây.

Được biết phiên họp thứ 34 của Ủy ban Di sản Thế giới hiện vẫn đang hội họp dưới quyền chủ tọa của Bộ trưởng Văn hóa Brazil João Luiz da Silva Ferreira. Phiên họp dự kiến sẽ kéo dài cho tới ngày 3/8 và sẽ có thêm một số địa chỉ khác được cân nhắc để đưa vào danh sách các di sản thế giới.

Tác giả: Tường Linh

No comments:

Post a Comment