Tuesday, August 17, 2010

Đình Xuân Dục

Đình Xuân Dục

* Giới thiệu chung:


Toàn cảnh mặt trước đình Xuân Dục
Đình Xuân Dục thuộc làng Xuân Dục, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đình nằm phía bắc sông Đuống, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Đây là ngôi đình có nghệ thuật điêu khắc trang trí khá đặc sắc, là một trong số ít những ngôi đình còn lại trên đất Bắc bộ mang dấu vết kiến trúc của nửa đầu thế kỷ XVII. Theo phân loại chung đình làng Xuân Dục là di tích kiến trúc nghệ thuật. Đình Xuân Dục đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá theo quyết định số 3211/VH - QĐ ngày 12/12/1994.
Đình Xuân Dục thờ hai vị thần: một là thiên thần và một là nhân thần. Hai vị thần thuộc hai giai đoạn lịch sử khác nhau. Thuỷ tộc Nam Phổ đại vương nằm trong hệ thống huyền thoại về những anh hùng khai sáng của thời dựng nước. Lý Tam Lang đại vương là một phúc thần triều Lý. Hiện tại đình làng Xuân Dục còn lưu giữ được cuốn thần phả ghi sự tích các vị thánh được thờ trong đình do Hàn lâm lễ viện đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn vào năm 1572, đến năm Vĩnh Hựu lục niên (1740) được Nội các lại bộ biên soạn lại.
* Đặc điểm kiến trúc:
Đình làng Xuân Dục có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Công, gồm Đại bái, Ống muống và Hậu cung nối liền nhau thành một kiến trúc liên hoàn trong đó Đại bái gồm năm gian hai chái, kết cấu theo kiểu sáu hàng chân cột, có dấu vết nghệ thuật sớm nhất (thế kỷ XVII).
Kết cấu vì gồm có 6 bộ vì. Vì nách dùng kiểu thức chồng rường hoặc cốn mê. Những vì nách kiểu chồng rường thường là sản phẩm có niên đại sớm hơn mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Vì nóc của gian giữa và gian bên được làm theo kiểu giá chiêng chồng rường con nhị. Ở đình làng Xuân Dục, để nâng cao bộ mái và mở rộng lòng công trình, người xưa đã chồng ở phía trên cùng của vì nóc hai con rường, làm biến thể bộ vì giá chiêng truyền thống thành bộ vì giá chiêng chồng rường con nhị với các cột giá chiêng khá cao (0,7m). Lưng con rường trên cùng kê một đấu tròn, hai đầu rường phía trên đỡ cặp hoành mái thứ nhất, phía dưới xẻ mộng ngoàm lấy đấu hoặc kê lên rường thứ hai qua đấu vuông thót đáy. Con rường tiếp theo ăn mộng vào thân trụ trốn để liên kết hai trụ trốn. Con rường thứ ba một đầu ăn mộng vào thân trụ trốn, đỡ hoành mái thứ ba. Rường cụt kê lên câu đầu qua hai đấu vuông thót đáy, đỡ hoành mái thứ tư. Thân các rường chạm đơn giản, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.





Vì nách kết cấu theo kiểu chồng rường
Phía dưới xà cột cái Đại bái là hệ thống cánh gà với chức năng tăng sự liên kết vững chắc cho công trình và tạo diện trang trí làm cho nội thất ngôi đình thêm sinh động. Mỗi cánh gà đều được chạm trổ tinh xảo. Đỡ dưới bụng cánh gà có các thanh gỗ được chạm các vân nhỏ. Những kiến trúc có hệ cánh gà này chúng ta đã gặp ở một số ngôi đình có niên đại sớm hơn, thời Mạc ở đình Tây Đằng, vào thế kỷ XVII ở các đình Phù Lưu, đình Sùng Văn, đình Dương Nội . . .
Tòa Đại bái có 4 mái, lợp ngói mũi, hai mái chính và hai mái hồi. Hệ thống hoành mái phần lớn là hoành tròn, tổng cộng hai mái lớn có 33 hoành, hai mái hồi có 24 hoành.
Phía trước cửa Đại bái có hệ thống cửa bằng ván gỗ ở gian giữa và gian bên, hai gian hồi phía trước và hai mặt bên được xây bao bằng gạch, trát vữa. Đặc biệt ở Đại đình còn giữ được hệ thống ván gió nong ở xà cột hiên. Những ván gió này đều là sản phẩm mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ XVII với các mảng chạm vân xoắn, tiên cưỡi rồng . . . Điều này đã đóng góp một phần quan trọng trong việc khẳng định kiến trúc dạng 6 hàng chân cột ít nhất đã có từ đầu thế kỷ XVII.
* Nghệ thuật điêu khắc trang trí:
Đình làng Xuân Dục là một trong số ít những ngôi đình còn những dấu ấn kiến trúc của nghệ thuật đầu thế kỷ XVII. Các mảng chạm khắc trên kiến trúc rất phong phú, có hai phong cách nghệ thuật rõ rệt của hai thời kỳ: Thời Lê Trung hưng (tập trung vào thế kỷ XVII) và thời Nguyễn (tập trung vào nửa đầu thế kỷ XX). Trong đó nghệ thuật chủ đạo mang phong cách thế kỷ XVII, còn các trang trí mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn không nhiều.



Chạm khắc rồng
Điển hình là hình tượng rồng, có mặt dày đặc trong kiến trúc, với các hình thức khác nhau: đầu rồng, toàn thân, rồng đôi, rồng đơn, tiên cưỡi rồng . . . được trang trí phong phú và đa dạng ở đại bái trên nhiều vị trí khác nhau: đầu dư, các cốn chồng rường, xà nách, cánh gà . . . mang phong cách nghệ thuật của cả hai thời kỳ trên.
Ngoài hình tượng rồng, trong đình Xuân Dục còn có chạm khắc hình tượng phượng trên cửa võng gian giữa đại bái với bố cục song phượng chầu hoa. Phượng có tóc hình lá vuốt dài, mắt giọt lệ, ngậm cành hoa, cổ thon dài, có đốt, hơi uốn cong mềm mại, thân phượng thon dài, phần đuôi thót lại, chân dài, toàn thân phủ đầy lông vũ.


Hình tượng phượng trên cửa võng

Hình tượng lân được chạm trên mặt đông rường cụt vì nách trước gian bên phải. Lân được chạm nổi khối, thân hình thon lẳn, mặt hơi bè, môi mỏng, cười lộ hàm răng người, tai thú, râu được tạo bởi hàng vân xoắn kết lại lên đến tận mang tai, thân có vân xoắn làm nền, điểm xuyết một vài đao mác, vây lưng được tạo bởi các vấn xoắn ốp vào thân.



Hình tượng lân
Hình tượng con người được chú ý đến trong chạm khắc kiến trúc đình làng Xuân Dục nhưng chỉ tập trung ở các mảng chạm mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Hình tượng con người xuất hiện ở hai dạng: tiên nữ và người thường trên một số cánh gà, ván gió, trụ trốn đại bái.



Bức chạm tiên nữ cưỡi rồng
Trên cánh gà trước gian thứ hai bên trái đại bái chạm hình ảnh tiên nữ cưỡi trên lưng rồng với những đường nét: đầu to, đội mũ trụ, khuôn mặt được tạc phác, thân ngắn, nhỏ, hai tay chắp trước ngực, hai cánh lớn rang rộng, uốn cong mềm mại. Trên ván gió trước gian thứ nhất bên trái cũng chạm một thiên thần có cánh. Các thiên thần này đều được chạm nổi, nét chạm không sắc như các thời sau này. Còn hình ảnh người được chạm khắc trên cánh gà trước gian thứ hai bên trái, người đang cưỡi rồng hay cưỡi thú. Đây là những hình tượng mang phong cách nghệ thuật sớm, khoảng đầu thế kỷ XVII, còn kế thừa nhiều nét của nghệ thuật thời Mạc.



Hình tượng người trên trụ trốn đại bái

Ngoài các chủ đề chính trên, trong trang trí kiến trúc đình làng Xuân Dục chúng ta còn bắt gặp các hình ảnh như hoa lá, các biểu tượng thiêng: đao nhọn, đao mác, vân xoắn . . . cho thấy bàn tay tài hoa, khối óc tinh tế của các nghệ nhân xưa, làm phong phú thêm nghệ thuật điêu khắc trong đình nói riêng và giá trị văn hoá - lịch sử của ngôi đình nói chung.





Chạm khắc người cưỡi rồng, cưỡi thú trên cánh gà
Ngoài những giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật trên hiện tại trong đình Xuân Dục còn lưu giữ những di vật và đồ thờ có ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử. Đó là hai ngai thờ hai vị Thành hoàng làng là Thuỷ tộc Nam Phổ đại vương và Lý Tam lang đại vương. 34 đạo sắc của các đời vua trải dài qua bốn thế kỷ: XVII, XVIII, XIX, XX trong đó có nhiều sắc phong thời Lê, sắc phong sớm nhất có niên đại Cảnh Trị 8 (1670). 02 cuốn thần phả bằng chữ Hán ghi sự tích hai vị Thành hoàng làng.


Ngai thờ hai vị Thành hoàng làng
Trong suốt quá trình tồn tại, đình làng Xuân Dục đã được tu sửa nhiều lần: những năm cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII, thời vua Bảo Đại năm 1934 và vào năm 1999. Tuy nhiên với thời gian tồn tại khá lâu, khoảng 400 năm, một số cấu kiện kiến trúc đã bị hư hỏng: các ván gió, rường bị mục mọt, các hoa văn trang trí bị mờ, không còn rõ nét. Vì thế cần có sự quan tâm kịp thời, đúng mức để có thể lưu giữ được những giá trị kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử của ngôi đình - cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn và lưu giữ di sản của cha ông để lại cho thế hệ mai sau.





Một số sắc phong được lưu giữ trong đình.
Một số thông tin chung về đình Xuân Dục:
- Đình Xuân Dục thuộc làng Xuân Dục, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
- Đình thờ hai vị thần là Nam Phổ đại vương và Lý Tam Lang đại vương.
- Đình được xây dựng khoảng nửa đầu thế kỷ XVII.
- Đình Xuân Dục được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa theo quyết định số 3211/VH – QĐ ngày 12/12/1994.

* Nguồn tư liệu bài viết và ảnh: Viện Bảo tồn di tích
*Hồ sơ chi tiết về đình Xuân Dục tham khảo tại Phòng Tư liệu thông tin – Viện Bảo tồn di tích.

No comments:

Post a Comment